Sáng 22/11/2016, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Đây là bước cải tiến bắt buộc để hạn chế tiêu cực, nhằm mang lại một bộ mặt mới thân thiện hơn cho ngành du lịch Việt Nam.
E-visa là gì?
E-visa là viết tắt của từ "Electronic Visa" (visa điện tử). Nó là giấy phép hợp pháp cho phép người nước ngoài được vào cửa khẩu và du lịch trong nước. Hiện E-visa là hình thức mới nhất của visa.
Hình thức nguyên thủy của visa là dạng dán (sticker) vào sổ thông hành (passport). Người xin phải điền đơn xin visa nộp tại phòng lãnh sự, chờ xét duyệt và quay trở lại một ngày khác để nhận. Đây là quy trình chung cho tất cả các loại visa mà người muốn vào nước khác bắt buộc phải qua khâu kiểm tra nhân thân. Tuy nhiên, trong thời đại toàn cầu hóa như hiện nay, khi nhu cầu đi lại của mọi người ngày càng tăng, nhất là cho mục đích tham quan, việc khách du lịch phải tuân thủ theo một quá trình kéo dài tốn thời gian đi lại và chờ đợi được cấp visa là sự bất tiện không cần thiết.
Để tăng tính cạnh tranh cho ngành công nghiệp không khói, nhiều nước đã cải cách hình thức visa cho đối tượng khách du lịch này, dẫn đến sự ra đời của Visa-OnArrival (VOA), thế hệ thứ 2 của visa, dạng stamp-type (đóng dấu mộc). Khách du lịch chỉ xin visa tại cửa khẩu, trả tiền và nhận được mộc. Mặc dù đã tiết kiệm được công sức đi đến và trở lại phòng lãnh sự hai lần khác nhau, khách làm Visa-On-Arrival phải đối diện một bất tiện khác là xếp hàng dài và lâu ở cửa khẩu. Sau hành trình bay lâu, việc chờ đợi hẳn sẽ không thoải mái gì.
Những sự bất tiện trên đã dẫn đến sự ra đời của visa thế hệ ba, đó là E-visa. Người xin có thể thực hiện tại bất cứ nơi đâu miễn là có mạng internet và nhận visa ngay trên máy tính của mình để in ra, lên tàu bay và qua cửa khẩu.
Người xin chỉ cần hội đủ 3 điều: Thứ nhất, có passport còn trong thời hạn quy định (thường tối thiểu là 6 tháng). Thứ hai, khai điền thông tin trực tuyến. Thứ ba, trả tiền trực tuyến là nhận được visa trong email của mình để in ra, lên tàu bay và qua cửa khẩu.
Thực tế, nhiều nước đã chính thức đưa hệ thống E-visa vào sử dụng và tùy tình hình riêng của mỗi nước mà họ linh động trong trong một số chính sách cụ thể. Ví dụ, Thổ Nhĩ Kỳ và Georgia áp dụng eVisa cho khách có mục đích du lịch và thương mại, nhưng Myanmar, Cambodia hay Ấn Độ... lại chỉ áp dụng với khách du lịch mà thôi. Hoặc như E-visa của Ấn Độ chỉ cho phép sử dụng hai lần cho một năm.Đối tượng có quyền xin E-visa cũng giới hạn tùy mỗi nước nhưng nhìn chung họ cũng mở rộng cánh cửa cho hơn vài chục quốc gia. Tuy nhiên, thời hạn của E-Visa của họ đều rộng mở từ 28 đến 30 ngày.
Bốn lý do E-visa cần thiết cho Việt Nam
Trước tiên là tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch để tăng doanh số. Ngày nay, khi thời gian là điều quan trọng nhất trong cuộc sống mỗi người, việc mang lại tiện ích cho khách hàng, rút ngắn những khoảng thời gian không cần thiết là yếu tố quyết định để thu hút khách du lịch.
Thứ hai là đảm bảo ngân sách. Trong khi việc miễn visa chỉ được áp dụng rụt rè vì nhiều lý do, an ninh lẫn kinh tế, tại sao ta không mạnh dạn đưa E-visa vào ứng dụng. Đối tượng khách được mở rộng hơn mà vẫn tồn tại trong vòng kiểm soát, lại không mất doanh thu.
Lý do để khách hàng không hăm hở thăm thú nước nào đó không phải là tiền lệ phí hợp lý mà vì chính thủ tục quá cồng kềnh đã ngăn cản bước chân của họ. Hơn nữa, dạng Visa-On-Arrival ở nước ta được thực hiện bởi các công ty cung cấp dịch vụ du lịch chứ không phải bởi cơ quan nhà nước, điều này gây không ít quan ngại cho khách du lịch.
Mặc khác, không phải khách du lịch nào cũng biết đến hình thức dịch vụ này vì nó không được chính thức hiển thị trên trang web lãnh sự Việt Nam ở bất cứ nước nào.
Thứ ba là tăng tính cạnh tranh. Với tình hình ngay các nước trong khu vực như Campuchia đã thực hiện E-visa, hoặc ít nhất như Myanmar, dù tiến trình có kéo dài 3 ngày, thay vì chỉ dăm ba phút như các nước khác thì họ cũng đã tiến hành trên website chính thức của chính phủ. Vậy thì Việt Nam mình còn chần chờ đến bao giờ nữa?
Cuối cùng, giảm được tiêu cực. Như mọi người trong và ngoài nước, Việt nam hay bạn bè quốc tế đều đã biết lệ phí visa vào Việt Nam hiện nay rất tùy tiện, mỗi nơi một giá và thời hạn cấp cũng khác nhau, ba ngày đến một tuần, thậm chí còn kéo dài hơn đối với bà con kiều bào Việt Nam.
Thông tin E-visa
Thị thực điện tử sẽ được cấp thông qua hệ thống giao dịch điện tử, có giá trị nhập cảnh một lần, thời hạn không quá 30 ngày. Phí cấp thị thực phải nộp qua tài khoản ngân hàng và không được hoàn trả trong trường hợp không được cấp.
Điều kiện để được cấp thị thực điện tử áp dụng đối với công dân của nước có đủ các điều kiện sau:
Có quan hệ ngoại giao với Việt Nam;
Phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của Việt Nam trong từng thời kỳ;
Không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.
Người nước ngoài được cấp thị thực điện tử phải có hộ chiếu và không thuộc các trường hợp chưa cho nhập cảnh quy định tại Điều 21 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Người nước ngoài được cấp thị thực điện tử, sau khi nhập cảnh Việt Nam, nếu đề nghị cấp thị thực mới thì cơ quan quản lý xuất nhập cảnh xem xét, giải quyết theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Quốc hội giao Chính phủ thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục cấp thị thực điện tử. Đồng thời Chính phủ bảo đảm các điều kiện để việc cấp, kiểm soát thị thực điện tử được chặt chẽ, an toàn, thống nhất, thuận lợi.
Chính phủ quyết định danh sách các nước có công dân được thí điểm cấp thị thực điện tử; danh sách các cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử.
Người nước ngoài đề nghị cấp thị thực không phải là thị thực điện tử thực hiện theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Thanh Tâm